Dunning Kruger - Learn to know that you know nothing

Xin chào, 

Hôm này mình sẽ viết về một hiệu ứng mà cá nhân mình mới tìm hiểu và nhận ra nó cụ thể qua các giai đoạn, ai cũng đã trải qua nhưng phần lớn sẽ không biết tới nó và thường không vượt qua được các cung bậc tâm lý ấy - đó là hiệu ứng của sự hiểu biết mang tên Dunning Kruger.


Đã bao giờ bạn học thứ gì đó, ban đầu thấy "Uôi dễ ẹc thế này mà mọi người kêu khó" nhưng sau một thời gian bạn học hỏi thêm được nhiều thứ thì lại thấy nó khó dần, sự tự tin biến mất và thậm chí bỏ cuộc ngay đoạn đó. Thì xin chúc mừng, bạn đã đứt gánh ngay đáy của chu kỳ hiểu biết Dunning Kruger!

Nào, hãy cùng tìm hiểu về Dunning Kruger và cách để thực sự master một lĩnh vực gì đó nhé!


Hiệu ứng Dunning Kruger là gì?
Dunning Kruger là chuỗi các diễn biến tâm lý của chúng ta khi bắt đầu học một thứ gì đó mới mẻ. Từ không biết gì cả, cho tới biết tí ti, biết chút chút, biết rõ và cuối cùng là thuần thục; ở mỗi giai đoạn đó tâm lý của chúng ta sẽ thay đổi khá rõ ràng.

Dunning Kruger tác động lên chúng ta qua 4 giai đoạn chính:
1/ Không biết gì cả, bắt đầu mò mẫm:
Cảm thấy: Không biết nên là không tự tin, nhưng từ khi bắt đầu tìm tòi thì sự tự tin tăng lên cực nhanh.

Giai đoạn này diễn ra rất thuận buồm xuôi gió vì ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng vậy, lượng kiến thức nền tảng đa phần là dễ hiểu và tiếp thu hơn, cùng với tâm thế phấn chấn khi học một điều mới sẽ làm cho bạn tiến bộ rất nhanh.

2/ Khi đã biết được một lượng kiến thức Cơ Bản nhất định:
Cảm thấy: Cực kỳ tự tin, cảm thấy mình nắm bắt quá nhanh và làm chủ được lĩnh vực mà nhiều người phải rất chật vật!

Giai đoạn này rất nguy hiểm vì sẽ có sự "ảo tưởng sức mạnh", bắt đầu có hiện tượng coi mình là chân lý, khó nhìn ra sai lầm của bản thân và phủ nhận những ý kiến phản bác. Nhiều người sẽ dừng lại tại đây, không học thêm điều mới nữa vì nghĩ mình đã biết đủ rộng và đắm chìm trong "cái giếng" của mình. Nhưng nếu tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực đó, "chú ếch" của chúng ta sẽ mau chóng nhận ra, và bắt đầu dùi mài kinh sử. Từ đây sẽ được trải nghiệm giai đoạn 3.

3/ Khi bắt đầu học sâu hơn, rộng hơn về lĩnh vực đó:
Cảm thấy: Càng biết nhiều thì lại càng thấy mình dốt, mình chả biết gì cả, chỉ là hạt cát nhỏ trong sa mạc bao la.

Đây là giai đoạn mà nhiều người từ bỏ vì lượng kiến thức chuyên môn càng sâu càng khó hiểu và phức tạp. Bạn cảm thấy những gì mình đã học thì ... thằng nào cũng biết cả!! 
Thế nhưng, tới được giai đoạn 3 và nhận ra mình "dốt" đã là một thành công. Từ đây sẽ mở ra 2 sự lựa chọn
+ 1 là bạn quyết tâm chinh phục nó
+ 2 là bạn sẽ bỏ cuộc vì cảm thấy điều đó không phù hợp với bản thân, mình yếu kém cũng không có gì đáng xấu hổ, chỉ là trải nghiệm xem mình thực sự thích gì!

Nếu bạn theo con đường thứ 2 thì chúng ta sẽ không còn gì để bàn thêm, bạn dừng lại ngay tại đáy của hiệu ứng Dunning Kruger. Còn ngược lại, nếu tiếp tục nỗ lực hết mình, qua thời gian tu luyện chúng ta sẽ bước qua giai đoạn cuối:

4/ Khi đã nắm phần lớn kiến thức, trải nghiệm về lĩnh vực bạn theo đuổi:
Cảm thấy: Sự tự tin dần trỗi dậy trở lại, nhưng lần này cảm giác sẽ khác so với giai đoạn 2, bạn tự tin một cách khiêm nhường, không sân si, không bảo thủ. Bạn luôn giữ tâm thế khách quan khi nghe mọi luồng ý kiến của mọi người xung quanh về lĩnh vực của mình, nhưng bạn biết điều gì là đúng và có chứng kiến riêng của bản thân!

Tuy nhiên, có rất rất nhiều người không có happy ending như vậy, họ thường mắc kẹt rất lâu ở Giai đoạn 2 khi sự "ảo tưởng" che mờ mắt.


Mình cũng đã từng trải qua một vài giai đoạn trên và tự cảm thấy trong bất kỳ môn học, lĩnh vực, ngành nghề nào cũng vậy, để đạt được cảnh giới cao nhất đều phải trải qua những giai đoạn trên. Việc hiểu được từng giai đoạn sẽ là một trong những hành trang cơ bản về tư duy và tâm lý để có thể đi đúng hướng và vượt qua nó.

Hy vọng bài viết sẽ tạo được sự đồng cảm và giúp ích cho nhiều người. Chúc mọi người có những ngày nghỉ lễ vui vẻ, ấm áp.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Throwback 2023

Throwback 2022

Healing book - Think & Grow Rich